Michael Owen - cuộc đời quá khắc nghiệt với anh

Trong bóng đá đã từng có thời người ta phát cuồng lên vì hai chàng trai người Anh. Họ tài năng, đẹp trai, lịch lãm, họ khiến rất nhiều cô gái sẵn sàng trồng cây si trước cửa, họ khiến những tấm poster in hình họ luôn trong tình trạng hết veo trên các sạp hàng. Một người trong số đó là David Beckham với cái chân phải vẽ nên những đường cong siêu hạng. Người còn lại xuất chúng không hề thua kém nhưng để lại biết bao tiếc nuối trong lòng người yêu bóng đá hoài cổ về một dĩ vãng bàng bạc xa xôi.
Michael Owen, số phận quá khắc nghiệt với anh và với những người say mê anh
Nhắc đến Owen người ta nhắc đến tài năng săn bàn như một lẽ tất nhiên.

Bạn có thể gọi Michael Owen là thiên tài. 18 tuổi, trận đấu đầu tiên trong màu áo Liverpool, anh lập tức khiến tất cả phải bắt đầu nhớ tên khi ghi “mở tài khoản” bàn thắng. Sau đó 1 năm, anh được gọi vào đội hình Tam sư tại WC 1998 trên đất Pháp. Giải đấu hoàn toàn thất vọng của người Anh nhưng Owen kịp để lại dấu ấn cho riêng mình bằng cách biến Roberto Ayala và Jose Chamot thành những “gã hề” trước khi sút tung lưới Albiceleste tại vòng 1/8.

Năm 2001, sau 22 năm đằng đẵng chờ đợi kể từ ngày Kevin Keegan “đăng quang”, xứ sương mù mới lại dược dịp nở mày nở mặt, Owen bước lên bục nhận “quả bóng vàng châu Âu”. Hãy thử liệt kê những người cùng thế hệ với anh, những cái tên xuất chúng như Beckham, Neville, Scholes, Carragher, Lampard, Gerrard… có ai làm được điều ấy.
Nhắc đến Owen người ta nhắc đến tài năng săn bàn như một lẽ tất nhiên. Anh không cao to vạm vỡ, chẳng giỏi trong việc “đè ngửa” hậu vệ đối phuơng ra để ghi bàn. Đánh đầu – kỹ năng mà người Anh “tôn thờ”, cũng chỉ thuộc hàng thường thường bậc trung nếu không muốn nói là yếu kém. Owen cũng hiếm khi ghi được những siêu phẩm. Nhưng anh vẫn luôn biết cách để khiến cả khán đài trầm trồ.
Với guồng chân chạy tựa hồ những chú linh dương, bất cứ hàng phòng ngự nào cũng sẽ phải trả giá đắt khi để cho Owen có khoảng trống và bứt tốc. Lúc đó đơn giản bạn sẽ phải hít khói và vào lưới nhặt bóng. Bên cạnh đó Owen còn sở hữu kỹ thuật khá tốt cùng khả năng luồn lách khiến anh có thể tự tạo cơ hội cho riêng mình hơn là trông chờ vào sự hỗ trợ, “dâng cỗ tới miệng” của đồng đội.
Owen là thế đó. Có cảm giác Chúa đã ưu ái anh rất nhiều, đã trao cho nhanh những phẩm chất thiên bẩm hiếm có khó tìm. Khi người ta phải vật lộn, phải vất vả hùng hục để bước lên đỉnh cao thì Owen chỉ còn dướn nhẹ lên một chút, anh đã vươn cao hơn tất cả.
Mùa bóng 2004-2005 anh rời Anfield cho dù vẫn nặng tình với màu áo đỏ. Rafa Benitez trong công cuộc “gây dựng thanh thế” của mình đã quyết định bán anh – một biểu tượng cũ và thuộc dạng “có thể đụng đến”, để xây dựng kỷ nguyên mới cùng những người Tây Ban Nha mà ông mang về. Điểm đến tiếp theo là “Nhà trắng” Real Madrid nơi người bạn Beckham đang vẫy gọi và ông chủ Flo Perez trải thảm đỏ săn đón.
Michael Owen, số phận quá khắc nghiệt với anh và với những người say mê anh
Một ngôi sao sáng bắt đầu tàn lụi từ đây ngay giữa “Dải ngân hà”. Trên hàng công của bầy kền kền lúc đó là “Chúa nhẫn” Raul, là “người ngoài hành tinh” Ronaldo, là Morientes với tài năng “không phải dạng vừa”. Owen giống như lao vào một cơn bão và bị cuốn phăng đi không thương tiếc lên băng ghế dự bị. Galacticos không có chỗ cho anh vì đơn giản anh chưa đủ rực rỡ như những đồng đội bên cạnh hay như chính chiếc áo số 11 trên lưng của Alfredo di Stefano kiêu hãnh một thời.
Owen bắt đầu phải cam phận làm vật trang trí, làm đồ trang sức để thỏa mãn thú vui, để phô trương sự hào nhoáng. Tôi không hề muốn nói về khoảng thời gian sau cái mùa bóng 2004-2005 ấy bởi lẽ từ đấy Owen đã không còn là Owen nữa. Anh ở bên lề của mọi cuộc vui vì những chấn thương và sự ghẻ lạnh. Real hắt hủi anh chỉ sau 1 năm.
Newscatle đối với anh toàn những sắc màu nhàn nhạt. Man United dang tay giúp đỡ anh với vài điểm sáng le lói. Và trên tất cả, khi người ta hướng mắt về Liverpool trong những tháng ngày huy hoàng của CLB tại Champions League, thì không có tên Owen ở đó. Thời khắc Istambul lịch sử, rực rỡ và điên khùng, chẳng ai biết anh ở đâu…
Với tài năng và vị thế của mình, Owen hoàn toàn xứng đáng có được nhiều hơn những thứ mà số phận bạc bẽo đã trao. Không khó để khẳng định anh là tấn bi kịch nặng nề của bóng đá thế giới bởi những gì anh mang đến và những gì anh bị cướp đi. Owen là một vết sẹo lồi của một thời đã qua rất đẹp và nhiều cay đắng. Mọi cái sẹo đều rồi cũng sẽ nhạt đi nhưng sự thanh thản có lẽ sẽ chẳng bao giờ đến.
Đôi khi những người yêu Owen cất tên anh ở ngăn tủ nào đó, thẳm sâu và nhiều bụi bặm. Đôi khi họ lại lục lọi, mang ra nhìn ngắm. Đôi khi họ lại nhớ về mùa hè năm 2004 khi chàng trai cất bước ra đi tiến về bờ vực. Tính ra thì chưa có mùa hè nào tĩnh lặng như mùa hè năm đó. Ngay cả tới bây giờ có thể hình ảnh mùa hè ấy trong họ vẫn chỉ là bóng râm thẫm dần dưới sự chói chang của ánh nắng và khoảng tĩnh lặng gói ghém bên trong…
Có thể bạn quan tâm:
SHARE

Milan Tomic

Hi. I’m Designer of Blog Magic. I’m CEO/Founder of ThemeXpose. I’m Creative Art Director, Web Designer, UI/UX Designer, Interaction Designer, Industrial Designer, Web Developer, Business Enthusiast, StartUp Enthusiast, Speaker, Writer and Photographer. Inspired to make things looks better.

  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
  • Image
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét